Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên; công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên; công ty Cổ phần; công ty Hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân; Doanh nghiệp nhà nước. Hãy cùng Thiên Luật Phát tìm hiểu ưu nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp này trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Loại hình doanh nghiệp tư nhân
Đây là một trong các loại hình doanh nghiệp khá phổ biến tại Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân là tổ chức kinh tế được đăng ký kinh doanh theo quy định và thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Ưu điểm:
- Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của công ty mà không phải thông qua ý kiến của bất kỳ thành viên nào;
- Cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ điều hành quản lý.
Nhược điểm:
- Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp tư nhân không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào;
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập 01 doanh nghiệp tư nhân;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
- Doanh nghiệp tư nhân cũng không có quyền góp vốn hoặc mua cổ phần trong các loại hình doanh nghiệp khác như Công ty hợp danh, Công ty TNHH hoặc Công ty Cổ Phần.
Công ty trách nhiệm hữu hạn
Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên
Được quy định tại Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là loại hình doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sẽ có tư cách pháp nhân đầy đủ.
Ưu điểm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân;
- Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định đối với mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Đối với các nghĩa vụ về tài chính, các khoản nợ của công ty, chủ doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm trong điều kiện phạm vi vốn điều lệ;
- Được phát hành trái phiếu.
Nhược điểm:
- Không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp doanh nghiệp muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần;
- Hạn chế trong việc huy động vốn góp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên
Theo Điều 46 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp có số lượng thành viên từ 02 đến 50. Họ có thể là tổ chức, hoặc cá nhân và các thành viên của doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn góp (trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 điều 47 của Luật này).
Ưu điểm:
- Đều có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên
- Các thành viên của doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản trong phạm vi vốn góp của mình;
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được quyền phát hành trái phiếu.
Nhược điểm:
- Không được quyền phát hành cổ phần (trừ trường hợp doanh nghiệp muốn chuyển sang loại hình Công ty Cổ phần);
- Mọi quyết định của doanh nghiệp đều phải được thông qua ý kiến của mọi thành viên.
>> Xem thêm video về các loại hình doanh nghiệp là gì tại Việt Nam hiện nay:
Công ty Cổ phần
Thông tin về Công ty Cổ phần được ghi tại Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020:
- Không giống như các loại hình doanh nghiệp khác, vốn điều lệ của công ty cổ phần sẽ được chia thành nhiều phần bằng nhau (gọi là cổ phần).
- Công ty Cổ phần tối thiểu cần có 03 thành viên và không giới hạn số thành viên tối đa.
- Các thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân và họ đều phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp.
Ưu điểm:
- Công ty Cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp;
- Được quyền phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại chứng khoán khác. Do đó việc huy động vốn sẽ dễ dàng cho doanh nghiệp.
- Thành viên của công ty Cổ phần chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi vốn góp của mình;
- Cơ cấu tổ chức vốn linh hoạt, tạo điều kiện để nhiều người cùng tham gia góp vốn;
- Chuyển nhượng vốn dễ dàng.
Nhược điểm:
- Quá trình điều hành doanh nghiệp sẽ khó khăn các loại hình khác do số lượng cổ đông lớn, có thể tiềm ẩn nhiều mối quan hệ đối kháng nhau về lợi ích;
- Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn những mẫu hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi những quy định của luật pháp, đặc biệt về chế độ kế toán, tài chính.
Tìm hiểu thêm kiến thức khởi nghiệp: Để thành lập công ty cần những gì?
Công ty Hợp danh
Điều kiện để một doanh nghiệp được công nhận là Công ty hợp danh được quy định tại Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020, gồm có:
- Doanh nghiệp hợp danh có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung, hoạt động kinh doanh dưới một tên chung;
- Ngoài thành viên hợp danh, công ty cũng có thể có thể thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh chỉ có thể là cá nhân, và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về nghĩa vụ tài sản của công ty;
- Thành viên góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức và chỉ chịu trách nhiệm trên phạm vi số vốn góp.
Ưu điểm:
- Công ty hợp danh có thể dễ dàng tạo dựng được sự tin cậy với khách hàng, đối tác kinh doanh do có chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh.
- Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp được thành lập dựa trên sự uy tín của cả đôi bên, nên việc điều hành doanh nghiệp không quá khó khăn.
Nhược điểm:
- Chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn cũng mang lại mức độ rủi ro khá cao đối với các thành viên hợp danh;
- Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào;
- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân. Không được làm thành viên hợp danh của Công ty hợp danh khác (trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại)
- Thành viên hợp danh không được chuyển nhượng vốn của mình cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
- Loại hình doanh nghiệp này chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam.
Doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp được quản lý bởi một trong hai hình thức là: Công ty TNHH hoặc Công ty Cổ Phần, bao gồm:
- Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết
Ưu điểm:
- Quy mô hoạt động lớn và thường tập trung vào những ngành then chốt;
- Được ưu tiên về điều kiện chính sách pháp luật, về vấn đề tài chính, thuế;
Nhược điểm:
- Toàn bộ hoạt động của công ty đều phải chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản;
- Cơ cấu hoạt động rất nghiêm ngặt..
Trên đây là một số thông tin cơ bản về các loại hình doanh nghiệp hợp pháp tại Việt Nam, được cập nhật mới nhất tại Luật doanh nghiệp 2020. Hy vọng bài viết tổng hợp của Thiên Luật Phát đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Thiên Luật Phát – chúng tôi với đội ngũ chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Pháp lý doanh nghiệp, đảm bảo sẽ làm hài lòng quý khách với gói dịch vụ Thành lập công ty nhanh chóng, chuyên nghiệp và tiết kiệm chi phí nhất cho khách hàng. Luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu là giá trị cốt lõi của chúng tôi.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
- Website: https://thienluatphat.vn/
- Email: ketoan@thienluatphat.com
- Địa chỉ: Tầng 4, Số 65 Vườn Lài, Phường Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh